Điều 18. Điều kiện áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp
1. Các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo kê khai.
2. Trong thời gian đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp nếu doanh nghiệp thực hiện nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh thì doanh nghiệp phải tính riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (bao gồm mức thuế suất ưu đãi, mức miễn thuế, giảm thuế) và thu nhập từ hoạt động kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế để kê khai nộp thuế riêng.
Trường hợp trong kỳ tính thuế, doanh nghiệp không tính riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế và thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế thì phần thu nhập của hoạt động sản xuất kinh doanh ưu đãi thuế xác định bằng (=) tổng thu nhập tính thuế nhân (x) với tỷ lệ phần trăm (%) doanh thu hoặc chi phí được trừ của hoạt động sản xuất kinh doanh ưu đãi thuế so với tổng doanh thu hoặc tổng chi phí được trừ của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế.
Trường hợp có khoản doanh thu hoặc chi phí được trừ không thể hạch toán riêng được thì khoản doanh thu hoặc chi phí được trừ đó xác định theo tỷ lệ giữa doanh thu hoặc chi phí được trừ của hoạt động sản xuất, kinh doanh hưởng ưu đãi thuế trên tổng doanh thu hoặc chi phí được trừ của doanh nghiệp.
3. Không áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và áp dụng thuế suất 20% (bao gồm cả doanh nghiệp thuộc diện áp dụng thuế suất 20% theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư này) đối với các khoản thu nhập sau:
a) Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (trừ thu nhập từ đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội quy định tại điểm d Khoản 3 Điều 19 Thông tư này); thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản; thu nhập nhận được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở ngoài Việt Nam.
b) Thu nhập từ hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí, tài nguyên quý hiếm khác và thu nhập từ hoạt động khai thác khoáng sản.
c) Thu nhập từ kinh doanh dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
4. Doanh nghiệp có dự án đầu tư được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp do đáp ứng điều kiện về lĩnh vực ưu đãi đầu tư thì các khoản thu nhập từ lĩnh vực ưu đãi đầu tư và các khoản thu nhập như thanh lý phế liệu, phế phẩm của sản phẩm thuộc lĩnh vực được ưu đãi đầu tư, chênh lệch tỷ giá liên quan trực tiếp đến doanh thu, chi phí của lĩnh vực được ưu đãi, lãi tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn, các khoản thu nhập có liên quan trực tiếp khác cũng được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có dự án đầu tư được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp do đáp ứng điều kiện ưu đãi về địa bàn (bao gồm cả khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao) thì thu nhập được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là toàn bộ thu nhập phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn ưu đãi trừ các khoản thu nhập nêu tại điểm a, b, c Khoản 3 Điều này.
Doanh nghiệp thuộc diện áp dụng thuế suất 20% được áp dụng thuế suất 20% trên toàn bộ thu nhập của doanh nghiệp trừ các khoản thu nhập nêu tại điểm a, b, c Khoản 3 Điều này.
a) Dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại Điều 15, Điều 16 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP là:
- Dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần thứ nhất từ ngày 01/01/2014 và phát sinh doanh thu của dự án đó từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
- Dự án đầu tư trong nước gắn với việc thành lập doanh nghiệp mới có vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng Việt Nam và không thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ ngày 01/01/2014.
- Dự án đầu tư đã được cấp Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư trước ngày 01/01/2014 nhưng đang trong quá trình đầu tư, chưa đi vào hoạt động, chưa phát sinh doanh thu và được cấp Giấy chứng nhận điều chỉnh Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh từ ngày 01/01/2014 của dự án đó.
- Dự án đầu tư độc lập với dự án doanh nghiệp đang hoạt động (kể cả trường hợp dự án có vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng Việt Nam và không thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện) có Giấy chứng nhận đầu tư từ ngày 01/01/2014 để thực hiện dự án đầu tư độc lập này.
b) Trường hợp doanh nghiệp có điều chỉnh, bổ sung Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư của dự án đã đi vào hoạt động mà không thay đổi điều kiện đang được hưởng ưu đãi thì thu nhập của hoạt động điều chỉnh, bổ sung tiếp tục được hưởng ưu đãi của dự án trước khi điều chỉnh, bổ sung trong thời gian còn lại hoặc ưu đãi theo diện đầu tư mở rộng nếu đáp ứng điều kiện ưu đãi theo quy định.
c) Dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo diện đầu tư mới không bao gồm các các trường hợp sau:
- Dự án đầu tư hình thành từ việc: chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
- Dự án đầu tư hình thành từ việc chuyển đổi chủ sở hữu (bao gồm cả trường hợp thực hiện dự án đầu tư mới nhưng vẫn kế thừa tài sản, địa điểm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp cũ để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, mua lại dự án đầu tư đang hoạt động).
Doanh nghiệp thành lập hoặc doanh nghiệp có dự án đầu tư từ việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi sở hữu, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất được kế thừa các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp hoặc dự án đầu tư trước khi chuyển đổi, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất trong thời gian còn lại nếu tiếp tục đáp ứng các điều kiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
d) Đối với doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo diện doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư chỉ áp dụng đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh đáp ứng điều kiện ưu đãi đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh nếu có sự thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng sự thay đổi đó không làm thay đổi việc đáp ứng các điều kiện ưu đãi thuế theo quy định thì doanh nghiệp tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế cho thời gian còn lại.
6. Về ưu đãi đối với đầu tư mở rộng
Dự án đầu tư mở rộng quy định tại điểm này phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
- Nguyên giá tài sản cố định tăng thêm khi dự án đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động đạt tối thiểu từ 20 tỷ đồng đối với dự án đầu tư mở rộng thuộc lĩnh vực hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Nghị định số 218/2013/NĐ-CP hoặc từ 10 tỷ đồng đối với các dự án đầu tư mở rộng thực hiện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Nghị định số 218/2013/NĐ-CP.
- Tỷ trọng nguyên giá tài sản cố định tăng thêm đạt tối thiểu từ 20% so với tổng nguyên giá tài sản cố định trước khi đầu tư.
- Công suất thiết kế khi đầu tư mở rộng tăng thêm tối thiểu từ 20% so với công suất thiết kế theo luận chứng kinh tế kĩ thuật trước khi đầu tư ban đầu.
Trường hợp doanh nghiệp chọn hưởng ưu đãi theo diện đầu tư mở rộng thì phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng được hạch toán riêng. Trường hợp doanh nghiệp không hạch toán riêng được phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng mang lại thì thu nhập từ hoạt động đầu tư mở rộng xác định theo tỷ lệ giữa nguyên giá tài sản cố định đầu tư mới đưa vào sử dụng cho sản xuất, kinh doanh trên tổng nguyên giá tài sản cố định của doanh nghiệp.
Thời gian miễn thuế, giảm thuế quy định tại khoản này được tính từ năm dự án đầu tư mở rộng hoàn thành đưa vào sản xuất, kinh doanh có thu nhập; trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án đầu tư mở rộng thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư dự án đầu tư phát sinh doanh thu.
Trường hợp doanh nghiệp đang hoạt động có đầu tư nâng cấp, thay thế, đổi mới công nghệ của dự án đang hoạt động thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi thuế theo quy định của Nghị định số 218/2013/NĐ-CP mà không đáp ứng một trong ba tiêu chí quy định tại điểm này thì ưu đãi thuế thực hiện theo dự án đang hoạt động cho thời gian còn lại (nếu có).
Ưu đãi thuế quy định tại khoản này không áp dụng đối với các trường hợp đầu tư mở rộng do chia, tách, sáp nhập, chuyển đổi sở hữu (bao gồm cả trường hợp thực hiện dự án đầu tư mới nhưng vẫn kế thừa tài sản, địa điểm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp cũ để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh), mua lại doanh nghiệp hoặc mua lại dự án đầu tư đang hoạt động.
Doanh nghiệp có dự án đầu tư từ việc chuyển đổi sở hữu, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất được kế thừa các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp hoặc dự án đầu tư trước khi chuyển đổi, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất trong thời gian còn lại nếu tiếp tục đáp ứng các điều kiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
b) Doanh nghiệp đang hoạt động được hưởng ưu đãi thuế có đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, bổ sung ngành nghề sản xuất kinh doanh, nâng cao công suất (gọi chung là đầu tư mở rộng) không thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi thuế theo quy định của Nghị định số 218/2013/NĐ-CP về thuế thu nhập doanh nghiệp thì không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập tăng thêm từ đầu tư mở rộng mang lại.
Trường hợp trong kỳ tính thuế, doanh nghiệp không tính riêng được thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng thì thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng không áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp được lựa chọn xác định theo 1 trong 2 cách sau:
Cách 1:
Phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng không áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp |
= |
Tổng thu nhập tính thuế trong năm (không bao gồm thu nhập khác không được hưởng ưu đãi) |
x |
Giá trị tài sản cố định đầu tư mở rộng đưa vào sử dụng cho sản xuất, kinh doanh |
Tổng nguyên giá tài sản cố định thực tế dùng cho sản xuất, kinh doanh |
Tổng nguyên giá tài sản cố định thực tế dùng cho sản xuất, kinh doanh gồm: giá trị tài sản cố định đầu tư mở rộng đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng và nguyên giá tài sản cố định hiện có đang dùng cho sản xuất kinh doanh theo số liệu cuối kỳ trên Bảng cân đối kế toán năm.
Cách 2:
Phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng không áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp |
= |
Tổng thu nhập tính thuế trong năm (không bao gồm thu nhập khác không được hưởng ưu đãi) |
x |
Giá trị vốn đầu tư mở rộng đưa vào sử dụng cho sản xuất, kinh doanh |
Tổng vốn đầu tư thực tế dùng cho sản xuất, kinh doanh |
Tổng vốn đầu tư thực tế dùng cho sản xuất kinh doanh là tổng nguồn vốn tự có, vốn vay của doanh nghiệp dùng cho sản xuất kinh doanh theo số liệu cuối kỳ trên Bảng cân đối kế toán năm.
Doanh nghiệp chỉ được áp dụng một cách phân bổ đối với thu nhập phát sinh của một hoạt động đầu tư mở rộng.
Ví dụ 16: Công ty A là một doanh nghiệp sản xuất nhựa trong khu công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh (Khu công nghiệp không thuộc địa bàn hưởng ưu đãi) và đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN: áp dụng thuế suất 15% trong 12 năm kể từ khi có doanh thu, miễn thuế TNDN 3 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% thuế TNDN trong 7 năm tiếp theo, năm 2014 Công ty A có đầu tư mở rộng, tổng giá trị máy móc thiết bị đầu tư mới trong năm là 5 tỷ đồng. Biết rằng tổng giá trị TSCĐ cuối năm 2014 là 20 tỷ đồng, tổng thu nhập tính thuế phát sinh của năm 2014 là 1,2 tỷ đồng, trong đó thu nhập khác không được hưởng ưu đãi là 200 triệu đồng, thì:
Thu nhập do đầu tư mở rộng không được hưởng ưu đãi là:
Phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng không áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp |
= |
(1,2 tỷ đồng - 200 triệu đồng) |
x |
5 tỷ đồng |
20 tỷ đồng |
||||
|
= |
250 triệu đồng |
|
|
Thu nhập tính thuế không được hưởng ưu đãi thuế TNDN năm 2014 là: 200 triệu đồng + 250 triệu đồng = 450 triệu đồng
Thu nhập tính thuế được hưởng ưu đãi thuế TNDN năm 2014 là:
1,2 tỷ đồng - 450 triệu đồng = 750 triệu đồng
7. Trong cùng một kỳ tính thuế nếu có một khoản thu nhập thuộc diện áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi và thời gian miễn thuế, giảm thuế theo nhiều trường hợp khác nhau thì doanh nghiệp tự lựa chọn một trong những trường hợp ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp có lợi nhất.
8. Trong thời gian được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu trong năm tính thuế mà doanh nghiệp không đáp ứng đủ một trong các điều kiện ưu đãi thuế quy định tại các Khoản 7, 8 và Khoản 12 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập nghiệp doanh nghiệp và quy định tại Điều 19 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP thì doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi trong năm tính thuế đó mà phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo mức thuế suất phổ thông và năm đó sẽ tính trừ vào thời gian được hưởng ưu đãi thuế của doanh nghiệp.
9. Trường hợp trong cùng kỳ tính thuế, doanh nghiệp có phát sinh hoạt động kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế bị lỗ, hoạt động kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế, thu nhập khác của các hoạt động kinh doanh (không bao gồm thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư; thu nhập từ chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật) có thu nhập (hoặc ngược lại) thì doanh nghiệp bù trừ vào thu nhập chịu thuế của các hoạt động có thu nhập do doanh nghiệp lựa chọn. Phần thu nhập còn lại sau khi bù trừ áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp theo mức thuế suất của hoạt động còn thu nhập.
Trường hợp trong các kỳ tính thuế trước, doanh nghiệp đang bị lỗ (nếu còn trong thời hạn chuyển lỗ) thì doanh nghiệp phải chuyển lỗ tương ứng với các hoạt động có thu nhập. Nếu doanh nghiệp không tách riêng được lỗ của từng hoạt động thì doanh nghiệp chuyển lỗ vào thu nhập của hoạt động được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trước sau đó vẫn còn lỗ thì chuyển vào thu nhập của hoạt động không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (không bao gồm thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư; thu nhập từ chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật).
Ví dụ 17: Trong kỳ tính thuế năm 2014, DN A có phát sinh:
- Lỗ từ hoạt động sản xuất phần mềm được ưu đãi thuế là 1 tỷ đồng.
- Lãi từ hoạt động kinh doanh máy tính không thuộc diện ưu đãi thuế là 1 tỷ đồng.
- Lãi từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán (thu nhập khác của hoạt động kinh doanh) là 2 tỷ đồng.
Trường hợp này DN A được lựa chọn bù trừ giữa lỗ từ hoạt động sản xuất phần mềm và lãi từ hoạt động kinh doanh máy tính hoặc lãi từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán; phần thu nhập còn lại sẽ nộp thuế TNDN theo thuế suất của phần có thu nhập.
Cụ thể: Bù trừ lỗ 1 tỷ đồng sản xuất phần mềm với lãi 1 tỷ đồng của hoạt động kinh doanh máy tính hoặc hoạt động chuyển nhượng chứng khoán.
=> DN còn thu nhập là 2 tỷ đồng và phải nộp thuế TNDN với mức thuế suất 22% (2 tỷ đồng x 22%).
Ví dụ 18: Trong kỳ tính thuế năm 2014, DN B có phát sinh:
- Lãi từ hoạt động sản xuất phần mềm được ưu đãi thuế là 2 tỷ đồng (hoạt động này đang áp dụng thuế suất thuế TNDN 10%).
- Lãi từ hoạt động kinh doanh máy tính không thuộc diện ưu đãi thuế là 2 tỷ đồng.
- Lỗ từ hoạt động kinh doanh chứng khoán (thu nhập khác của hoạt động kinh doanh) là 1 tỷ đồng.
Kỳ tính thuế năm 2013, DN B có lỗ từ hoạt động kinh doanh máy tính là 1 tỷ đồng thì khi xác định thu nhập chịu thuế của năm 2014, DN B phải thực hiện chuyển lỗ như sau:
Cụ thể:
- Bù trừ giữa lãi và lỗ phát sinh trong năm 2014: doanh nghiệp lựa chọn bù trừ lỗ của hoạt động kinh doanh chứng khoán vào thu nhập của hoạt động kinh doanh máy tính, hoạt động kinh doanh máy tính còn lãi là (2 tỷ - 1 tỷ) = 1 tỷ đồng.
- Chuyển lỗ của hoạt động kinh doanh máy tính năm 2013 để bù trừ với lãi của hoạt động kinh doanh máy tính năm 2014: (1 tỷ - 1 tỷ = 0 tỷ)
Kê khai, tính và nộp thuế TNDN của hoạt động được ưu đãi thuế:
2 tỷ đồng x 10% = 200 triệu đồng
=> Thuế TNDN phải nộp là: 200 triệu đồng
Ví dụ 19: Trong kỳ tính thuế năm 2014, DN C có phát sinh:
- Lãi từ hoạt động sản xuất phần mềm được ưu đãi thuế là 2 tỷ đồng (hoạt động này đang áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% ).
- Lãi từ hoạt động kinh doanh máy tính không thuộc diện ưu đãi thuế là 2 tỷ đồng.
- Lỗ từ hoạt động kinh doanh chứng khoán (thu nhập khác của hoạt động kinh doanh) là 1 tỷ đồng.
Kỳ tính thuế năm 2013, DN C có lỗ là 2 tỷ đồng tuy nhiên doanh nghiệp không tách riêng được khoản lỗ này là của hoạt động nào do vậy DN C phải thực hiện bù trừ lỗ vào thu nhập của hoạt động đang được ưu đãi trước (hoạt động sản xuất phần mềm).
Cụ thể: - Bù trừ giữa lãi và lỗ phát sinh năm 2014: doanh nghiệp lựa chọn bù trừ lỗ hoạt động kinh doanh chứng khoán vào hoạt động kinh doanh máy tính, hoạt động kinh doanh máy tính còn lãi là (2 tỷ - 1 tỷ) = 1 tỷ đồng
- Chuyển lỗ của năm 2013 để bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất phần mềm năm 2014: 2 tỷ - 2 tỷ = 0 tỷ
Kê khai nộp thuế TNDN với mức thuế suất 22% của hoạt động kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế, cụ thể: 1 tỷ x 22% = 220 triệu đồng.
10. Doanh nghiệp trong thời gian đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra kiểm tra phát hiện:
- Tăng số thuế thu nhập doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế so với đơn vị tự kê khai (kể cả trường hợp doanh nghiệp chưa kê khai để được hưởng ưu đãi thuế) thì doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp do kiểm tra, thanh tra phát hiện (bao gồm số thuế thu nhập doanh nghiệp tăng thêm và số thuế thu nhập doanh nghiệp thuộc đối tượng được ưu đãi thuế theo quy định đã kê khai nhưng chưa xác định số thuế được ưu đãi).
- Giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế so với đơn vị tự kê khai thì doanh nghiệp chỉ được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo theo quy định đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp do kiểm tra, thanh tra phát hiện.
- Tùy theo mức độ vi phạm của doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra áp dụng các mức xử phạt vi phạm pháp luật về thuế theo quy định.