Điều 45. Giải quyết vụ việc tố cáo tiếp và giải quyết lại tố cáo
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được tố cáo tiếp, người có trách nhiệm giúp người có thẩm quyền giải quyết tố cáo xem xét, xử lý như sau:
1. Trường hợp đã quá thời hạn giải quyết tố cáo mà vụ việc chưa được giải quyết hoặc có nội dung tố cáo chưa được giải quyết thì yêu cầu Thủ trưởng đơn vị cấp dưới phải giải quyết, đồng thời yêu cầu báo cáo rõ lý do về việc chưa giải quyết tố cáo.
2. Đối với tố cáo đã được giải quyết đúng pháp luật nhưng có tình tiết mới chưa được phát hiện trong quá trình giải quyết tố cáo có thể làm thay đổi kết quả giải quyết tố cáo thì yêu cầu Thủ trưởng đơn vị cấp dưới phải tiếp tục giải quyết tố cáo đó theo thẩm quyền.
3. Trường hợp tố cáo tiếp không có tình tiết mới, không phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thì không thụ lý giải quyết, đồng thời thông báo bằng văn bản cho người tố cáo, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan về việc không thụ lý giải quyết tố cáo tiếp và đề nghị chấm dứt việc tố cáo (Mẫu số 27/TC).
4. Đề xuất với người có thẩm quyền, giải quyết lại tố cáo theo trình tự quy định tại Điều 39 đến Điều 44 khi phát hiện một trong những dấu hiệu vi phạm pháp luật sau:
a) Có vi phạm pháp luật nghiêm trọng về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo có thể làm thay đổi kết quả giải quyết tố cáo;
b) Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận nội dung tố cáo;
c) Kết luận nội dung tố cáo không phù hợp với những chứng cứ thu thập được;
d) Việc xử lý người bị tố cáo và các tổ chức, cá nhân liên quan không phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật đã được kết luận;
đ) Có bằng chứng về việc người giải quyết tố cáo hoặc người tiếp nhận tố cáo, người xác minh nội dung tố cáo đã làm sai lệch hồ sơ vụ việc;
e) Có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của người bị tố cáo nhưng chưa được phát hiện.