Điều 6. Địa điểm tiếp công dân và tổ chức tiếp công dân
1. Địa điểm tiếp công dân
a) BHXH các cấp phải bố trí phòng tiếp công dân riêng tại vị trí thuận tiện, đảm bảo khang trang, lịch sự, có đủ các điều kiện cần thiết cho việc tiếp công dân, có nơi để công dân ngồi chờ; không tiếp công dân tại phòng làm việc của công chức, viên chức;
b) Tại phòng tiếp công dân phải thực hiện niêm yết công khai: Nội quy tiếp công dân, trong đó phải quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người tiếp công dân; quyền, nghĩa vụ của công dân; các hành vi nghiêm cấm trong tiếp công dân; lịch tiếp công dân của Lãnh đạo và thời gian thường trực tiếp công dân.
2. Tổ chức tiếp công dân
a) Tại BHXH Việt Nam: Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra có trách nhiệm giúp Tổng Giám đốc tổ chức thực hiện việc tiếp công dân của BHXH Việt Nam. Biên chế viên chức làm nhiệm vụ tiếp công dân do Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra bố trí trong biên chế của Vụ;
b) Tại BHXH tỉnh: Trưởng phòng Kiểm tra có trách nhiệm giúp Giám đốc BHXH tỉnh tổ chức thực hiện việc tiếp công dân của BHXH tỉnh. Giám đốc BHXH tỉnh bố trí ít nhất 01 viên chức làm nhiệm vụ tiếp công dân thuộc biên chế phòng Kiểm tra;
c) Tại BHXH huyện: Giám đốc BHXH huyện tổ chức thực hiện việc tiếp công dân của BHXH huyện và bố trí ổn định viên chức làm nhiệm vụ tiếp công dân khi có công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.