Điều 18. Tài khoản hưu trí cá nhân
1. Mỗi cá nhân có thể có một hoặc nhiều tài khoản hưu trí cá nhân tại một thời điểm được quản lý bởi các doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí khác nhau.
2. Tài khoản hưu trí cá nhân được sử dụng để:
a) Tiếp nhận khoản đóng góp của người tham gia quỹ và của người sử dụng lao động (nếu có);
b) Tiếp nhận kết quả đầu tư sau khi trừ đi chi phí hoạt động của quỹ hưu trí và phân bổ cho từng tài khoản hưu trí cá nhân theo quy định tại điều lệ quỹ;
c) Thanh toán các khoản phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định;
d) Chi trả cho người tham gia quỹ và người sử dụng lao động theo quy định tại Nghị định này.
3. Quyền sở hữu tài khoản hưu trí cá nhân:
a) Người tham gia quỹ được sở hữu khoản đóng góp của mình và kết quả đầu tư sau khi trừ đi chi phí hoạt động của quỹ hưu trí được phân bổ cho từng tài khoản hưu trí cá nhân theo quy định tại điều lệ quỹ hưu trí;
b) Người lao động tham gia quỹ được sở hữu khoản đóng góp của người sử dụng lao động và kết quả đầu tư sau khi trừ đi các chi phí liên quan nếu đáp ứng được các điều kiện tại văn bản thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc tham gia quỹ hưu trí.
4. Tài khoản hưu trí cá nhân không được sử dụng để:
a) Chuyển nhượng;
b) Cầm cố;
c) Giải quyết thủ tục phá sản của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí, ngân hàng giám sát, tổ chức lưu ký.
5. Quy trình chuyển tài khoản hưu trí cá nhân giữa các quỹ hưu trí được thực hiện theo phương thức tất toán tài khoản hưu trí cá nhân thành tiền và chuyển toàn bộ khoản tiền này sang tài khoản hưu trí cá nhân tại quỹ hưu trí mới.