Điều 42. Trách nhiệm hướng dẫn thực hiện
1. Bộ Y tế có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Nghị định này;
b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế;
c) Hướng dẫn thẩm định điều kiện ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh ban đầu đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế;
d) Ban hành bộ mã Danh mục dùng chung để sử dụng thống nhất trong toàn quốc, bao gồm: Dịch vụ kỹ thuật y tế, thuốc tân dược, thuốc y học cổ truyền, vật tư y tế, trang thiết bị, máu và chế phẩm máu, bệnh y học cổ truyền, mã chẩn đoán bệnh theo phân loại quốc tế (ICD), mã cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các bộ mã đáp ứng yêu cầu quản lý;
đ) Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh; cập nhật kịp thời, chính xác, đầy đủ thông tin về khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và chuyển dữ liệu về hệ thống tiếp nhận dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của Bộ Y tế và hệ thống thông tin giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để phục vụ quản lý bảo hiểm y tế và giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế;
e) Quy định cụ thể nội dung ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa, bệnh bảo hiểm y tế;
g) Quy định lộ trình thực hiện liên thông dữ liệu về kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thông tin điều trị của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế;
h) Chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng báo cáo Chính phủ trình Quốc hội về tình hình thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm y tế, trong đó có tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế đột xuất, định kỳ hoặc hằng năm.
2. Bộ Tài chính có trách nhiệm:
a) Cân đối, bố trí ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để bảo đảm nguồn thực hiện chính sách bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;
b) Báo cáo Chính phủ tình hình quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế định kỳ hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của Chính phủ.
c) Báo cáo về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hằng năm và gửi Bộ Y tế để tổng hợp theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều này;
3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo quy định tại khoản 1 Điều 1; khoản 13 và 15 Điều 3; khoản 3 Điều 4 và Điều 6 Nghị định này.
4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:
a) Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí xác định hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành;
b) Hướng dẫn lập danh sách đối tượng quy định tại các khoản 3, 5, điểm a khoản 9, 11, 12, 16 và 17 Điều 3, các khoản 1, 2 và 4 Điều 4 Nghị định này.
5. Bảo hiểm xã hội Việt Nam:
a) Chỉ đạo cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp ký hợp đồng với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định này;
b) Chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn, địa bàn giáp ranh và các cơ quan liên quan giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh;
c) Chỉ đạo bảo hiểm xã hội các cấp cung cấp biểu mẫu, hướng dẫn cho Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc lập danh sách, quản lý danh sách tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình;
d) Hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng việc tiếp nhận, giám định và phản hồi kịp thời cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; đảm bảo chính xác, an toàn, bảo mật thông tin và quyền lợi của các bên liên quan;
đ) Tổng hợp, báo cáo định kỳ, hằng năm hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về tình hình thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm y tế; tình hình thu, chi, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế và gửi Bộ Y tế, Bộ Tài chính để tổng hợp theo quy định tại Nghị định này;
e) Quy định thẩm quyền ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của cơ quan bảo hiểm xã hội với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm phù hợp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam;
g) Chậm nhất đến ngày 01 tháng 01 năm 2020, cơ quan bảo hiểm xã hội phải thực hiện phát hành thẻ bảo hiểm y tế điện tử cho người tham gia bảo hiểm y tế.
6. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp bảo đảm kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành.